Một nữ tiếp viên hàng không tại Đức đã khuyên người bạn của mình rằng không nên dùng đồ uống được pha chế khi đi máy bay mà tốt nhất hãy dùng đồ uống đóng chai.
Tương tự, Kat Kamalani – nữ tiếp viên hàng không đến từ bang Utah cho biết quy tắc số một là không nên sử dụng bất kỳ chất lỏng nào không được đóng lon hay chai. Lý do là các bồn chứa nước trên máy bay để phục vụ khách không được vệ sinh quá thường xuyên. Kamalani nói, nhiều tiếp viên Mỹ hiếm khi uống cà phê, trà trên máy bay. Bởi cả hai loại đồ uống này đều được pha bằng nước nóng lấy từ máy pha cà phê và thiết bị này hiếm khi được làm sạch kỹ càng trừ khi chúng bị hỏng.
Đây không phải lần đầu tiên các tiếp viên hàng không kêu gọi hành khách tránh xa cà phê và trà trên máy bay, được biết vào năm 2004, trong một cuộc kiểm tra của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) thì có đến 13% (trong tổng số 158 máy bay lấy mẫu nước sạch) có chứa vi khuẩn Coliform – là thủ phạm gây nhiều bệnh nguy hiểm trên hệ tiêu hóa như tiêu chảy, mất nước dẫn tới suy thận, thậm chí là tử vong.
Hai chiếc thậm chí có E. coli ở mức độ nguy hiểm. Hầu hết các chủng E. coli là vô hại, nhưng một số có thể gây bệnh nghiêm trọng ở người. Các triệu chứng và dấu hiệu nhiễm trùng bao gồm tiêu chảy ra máu, co thắt dạ dày, nôn mửa và thỉnh thoảng là sốt. Các vi khuẩn cũng có thể gây viêm phổi, các bệnh về đường hô hấp và nhiễm trùng đường tiết niệu.
Trước đó, sau khi phân tích chất lượng nước uống của 11 hãng hàng không lớn và 12 hãng trong khu vực, đại học New York và tổ chức Diet Detective cũng đưa ra khuyến cáo tương tự cho hành khách khi đi máy bay.
Theo khảo sát, chất lượng nước uống trên máy bay giữa các hãng khác nhau, nhiều hãng có thể đã cung cấp nước không sạch cho khách hàng.
Hội đồng nghiên cứu đánh giá nước của các hãng hàng không theo thang điểm từ 5 (tốt nhất) đến 0 (tệ nhất), dựa trên 10 yếu tố khác nhau từ những mẫu nước chứa vi khuẩn E. coli, vi khuẩn coliform… cho đến kích thước đội tàu bay. Những hãng đạt từ 3 điểm trở lên cung cấp nước uống tương đối sạch. Và có tới 7/10 hãng bay không đạt 3 điểm, cần phải cải thiện chất lượng nước. Chỉ có một hãng đạt tiêu chuẩn vệ sinh nước uống là Piedmont Airlines (4,3 điểm). Ngoài ra, nghiên cứu cũng khuyên hành khách không nên rửa tay trong toilet máy bay mà nên dùng dung dịch sát khuẩn tay thay thế.
Tại Mỹ, nước sử dụng trên máy bay được bơm vào từ hệ thống nước sạch của các thành phố. Chất lượng nước phụ thuộc một phần vào độ an toàn của các thiết bị được sử dụng để chuyển nước lên máy bay, từ xe tải đến vòi bơm. Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) chịu trách nhiệm giám sát chất lượng nước. Hầu hết hãng bay của Mỹ khẳng định họ cung cấp nước đủ tiêu chuẩn, nhưng vẫn phục vụ thêm nước đóng chai để chiều lòng hành khách. Hiệp hội Tiếp viên Hàng không Mỹ – CWA (AFA) trước đây từng tuyên bố một điều tương tự rằng nước trên máy bay do EPA kiểm duyệt đủ an toàn để uống, nhưng “AFA không tin rằng quy định này có đủ tầm ảnh hưởng hoặc được thực thi chặt chẽ”.