Từ bối cảnh thị trường trà sữa toàn cầu…

Theo một báo cáo của hãng nghiên cứu và tư vấn kinh doanh Allied Market Research (Mỹ), vào năm 2016, thị trường trà sữa toàn cầu đạt gần 2 tỷ USD, dự kiến sẽ có giá trị khoảng 3,2 tỷ USD vào năm 2023, tốc độ tăng trưởng luỹ kế hàng năm ước tính là 7,4% trong giai đoạn 2017-2023.

Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 bùng phát từ cuối năm 2019 đã khiến nhiều thương hiệu phải thu nhỏ quy mô hoặc phá sản. Nguyên nhân là do sự ảnh hưởng của chính sách đóng cửa và cấm vận giữa các quốc gia khiến chuỗi cung ứng từ các quốc gia trồng và xuất khẩu trà lớn trên thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ, Kenya, Sri Lanka Indonesia, Việt Nam,… bị gián đoạn. Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng các nguồn nguyên liệu trà sữa khác như trái cây tự nhiên, hoa nhài, trân châu và các loại topping, sirô tạo hương vị, cùng các loại bột pha trà,…cũng đang bị đứt gãy. Thêm vào đó, hàng loạt nhà máy sản xuất ngừng hoạt động, các cửa hàng ăn uống đóng cửa trong thời gian giãn cách xã hội, thu nhập người tiêu dùng giảm sút, khiến việc kinh doanh trà sữa đình trệ.

Sản phẩm trà sữa được pha chế từ nguyên liệu của Minh Hạnh food

Đáng nói, dù đối mặt với nhiều thách thức, các chuyên gia đánh giá, thị trường trà sữa vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng bất chấp tác động của đại dịch, nhưng tốc độ chậm hơn so với thời điểm không có dịch. Một nghiên cứu đầu năm 2021 của công ty Fortune Business Insight (Ấn Độ) cho biết, thị trường trà sữa toàn cầu sẽ cán mốc 3,39 tỷ USD vào năm 2027.

Lời giải thích cho sự tăng trưởng của thị trường trà sữa toàn cầu chính là bởi văn hóa trà sữa đã “thấm sâu” vào nền ẩm thực của rất nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ. Đơn cử, đối với rất nhiều người châu Á, trà sữa không chỉ là món theo “trend”, lâu dần sẽ “lỗi mốt” mà họ còn có thể uống trà sữa hàng ngày, coi trà sữa là niềm tự hào dân tộc. Ví dụ, Youtuber người Mỹ gốc Á Philip Wang, đồng sáng lập kênh Youtube Wong Fu Productions sở hữu hơn 3,27 triệu lượt theo dõi và hơn 584 triệu lượt xem, đã từng chia sẻ thẳng thắn với các khán giả của mình rằng: “Khi còn là một thiếu niên, tôi rất tự hào về trà sữa – loại nước giải khát có nguồn gốc từ châu Á này”.

Mỗi quốc gia có các phiên bản trà sữa khác nhau

Mặt khác, năm 2017, Sở Văn hoá và Giải trí Hồng Kông đã tuyên bố “Kỹ thuật pha trà sữa kiểu Hồng Kông” là di sản văn hoá phi vật thể của họ – kỹ thuật này được biết có nguồn gốc từ thời thuộc địa Anh. Còn tại Singapore, trà sữa đã xuất hiện từ hơn ba thập kỷ trước và vẫn đang “chiếm lĩnh” thị trường đồ uống của “đảo quốc sư tử” trong nhiều năm nay. Tờ Business Times (Singapore) từng đánh giá trà sữa là một phần bản sắc châu Á.

Trà sữa cơ bản có 3 nguyên liệu chính là trà, đường và sữa, trong đó trà sữa trân châu nổi tiếng nhất hiện nay cũng chỉ là một cách pha chế bên cạnh nhiều phiên bản trà sữa khác nhau của các quốc gia. Đơn cử, Thái Lan có trà Thái (Cha Yen); Malaysia và Singapore có trà sữa Teh Tarik hay “trà kéo”; Ấn Độ có trà sữa Masala Chai; Tây Tạng có trà bơ đặc sản Pocha; Mông Cổ có Suutei tsai – loại trà sữa bao gồm muối, bơ động vật, bột đại mạch, trà và sữa tươi…. Với sự giao thoa văn hoá ngày càng rộng mở, các hãng trà sữa cũng “đổ bộ” sang châu Âu, Mỹ và dần trở nên phổ biến. Năm 2020, thậm chí có một phong trào trên mạng được gọi tên “Liên minh trà sữa” được khởi xướng bởi cộng đồng những người yêu thích trà sữa trên toàn thế giới tham gia.

Đáng chú ý, đối tượng khách chính mà các thương hiệu trà sữa ngắm đến thông thường thuộc thế hệ “Millennials” (từ đầu thập niên 1980 – giữa thập niên 1990) và Gen Z (từ giữa thập niên 1990 đến đầu thập niên 2010). Nói cách khác, đây là nhóm khách hàng trẻ tuổi, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu dân số, đang trong độ tuổi đi học hoặc lao động, sẵn sàng chi tiêu phục vụ các cho các trải nghiệm thú vị, đặc biệt những xu hướng thể hiện phong cách sống mới mẻ. Điều đó khiến cho các thương hiệu trà sữa lớn đẩy mạnh đầu tư xây dựng các mô hình kinh doanh độc đáo với bản sắc văn hoá doanh nghiệp trẻ trung, năng động để “đồng điệu” với các “thượng đế” của mình.

… Đến bức tranh kinh doanh trà sữa tại Việt Nam

Theo kết quả báo cáo của Allied Market Research, trong năm 2020, khu vực châu Á Thái Bình Dương chiếm hơn 50% thị phần thị trường trà sữa toàn cầu, theo sau là Bắc Mỹ. Trong khi đó, thị trường châu Âu có tốc độ tăng trưởng hàng năm cao nhất. Riêng tại Đông Nam Á, Việt Nam nằm trong tốp các quốc gia dẫn đầu về lượng tiêu thụ loại đồ uống này.

Nhiều ý kiến cho rằng trà sữa bắt đầu du nhập vào nước Việt Nam từ hơn 10 năm trước, có thể xuất hiện sớm hơn. Nhưng thị trường này chỉ thực sự “bùng nổ” từ năm 2013 với sự xuất hiện của hàng loạt chuỗi thương hiệu quốc tế và nội địa. Nghiên cứu thị trường đồ uống thực hiện năm 2018 chỉ ra, trà sữa xếp thứ hai trong số những đồ uống được ưa thích nhất tại thị trường Việt Nam, sau đồ uống đá xay và trên cả cafe. Đối tượng uống trà sữa nhiều nhất là nữ giới (53%) và người trẻ từ 15 đến 22 tuổi (35%).

Có nhiều thương hiệu trà sữa nổi tiếng ở Việt Nam

Theo đó, cả nước có khoảng 1.500 quán trà sữa với khoảng 100 thương hiệu. Bên cạnh những thương hiệu ngoại như Gongcha, Yutang, Bobapop, Ding Tea, Koi Thé, The Alley,… cũng có những thương hiệu nội địa nổi tiếng và phát triển nhanh chóng như Phúc Long. Các chuỗi cà phê lớn như The Coffee House, E-Coffee của Trung Nguyên cũng đưa món trà sữa vào menu để phục vụ thực khách.

Tuy vậy, nếu 2018 là năm hoàng kim của trà sữa thì năm 2020 và 2021 lại khá ảm đạm. Ở những “con phố trà sữa” tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hà Phòng, Đà Nẵng, nhiều thương hiệu đã phải di dời và trả lại mặt bằng cho thuê. Đơn cử là thương hiệu trà sữa nội địa Phúc Long. Với nguồn gốc là vùng chè danh tiếng Bảo Lộc (Lâm Đồng), từ năm 2015 đến 2019, thương hiệu này đã nhanh chóng mở rộng quy mô từ 10 cửa hàng lên 70 cửa hàng trên toàn quốc.

Đáng nói, trong năm 2019, Phúc Long đã mở thêm 21 cửa hàng trên khắp Việt Nam. Nhưng sau khi dịch bệnh bùng phát, thương hiệu này đã phải đóng nhiều cửa hàng, trong đó có 2 cửa hàng ở vị trí đắc địa tại Quận 1 (TP. Hồ Chí Minh). Trong năm 2020, Phúc Long cũng chỉ mở thêm được 6 cửa hàng mới, trong khi phải đóng bớt một số cửa hàng ở các tỉnh thành khác.

Dịch bệnh đã tác động sâu rộng đến cách thức kinh doanh và thói quen tiêu dùng của người uống trà sữa. Trong giai đoạn giãn cách xã hội ở Hà Nội, nhiều người trẻ phản ánh họ phải chi trả từ 100.000 – 200.000 VND cho một cốc trà sữa bởi tiền ship quá cao. Chưa kể, nếu như trước đây nhiều người sẵn sàng chọn mua những đồ uống trà sữa cao cấp có mức giá từ 50.000đ – 90.000đ, thì nay họ phải “thắt chặt” chi tiêu, hướng tới những lựa chọn rẻ hơn.

Lại nói, người tiêu dùng ngày nay không chỉ quan tâm đến hương vị trà thơm ngon mà còn khó tính hơn khi đòi hỏi nguồn nguyên liệu sạch, an toàn và tốt cho sức khoẻ. Theo một bài khuyến cáo trên cổng thông tin chính thức của bệnh viện Vinmec, trong trà sữa có nhiều calo và tinh bột, khiến thức uống này cung cấp nhiều năng lượng nhưng ít vitamin, giá trị dinh dưỡng không cao. Hấp thụ lượng đường trong trà sữa trong thời gian dài có thể gây ra các vấn đề sức khoẻ như thừa cân, béo phì, tiểu đường, máu nhiễm mỡ, bệnh tim mạch… Điều này khiến nhiều người tiêu dùng hạn chế uống trà sữa bởi các nguyên nhân sức khoẻ.

Nắm bắt tâm lý đó, các nhà kinh doanh trà sữa ngày càng quan tâm nhiều hơn đến nguồn nguyên liệu sạch và nhiều dinh dưỡng để tìm lại vị trí trên thị trường ẩm thực. Biểu hiện rõ nhất là nhu cầu mua trà đen để làm trà sữa gia tăng trong bối cảnh dịch bệnh, chiếm 40% thị phần ngách thành phần cơ bản làm trà sữa cơ bản trong năm 2020 so với các loại nguyên liệu khác như trà xanh, trà ôlong và trà trắng.

Trà sữa là món ăn yêu thích của giới trẻ Việt Nam

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trà đen có hàm lượng cao các vitamin E, C, B2, khoáng chất và giàu chất chống oxy hóa, cao hơn nhiều so với trà xanh và olong, nên có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh về tim mạch, giảm lượng cholesterol, giảm cân, tốt cho hệ tiêu hóa và miễn dịch. Vì thế, loại trà này trở thành lựa chọn hàng đầu của nhiều thương hiệu trà sữa và người tiêu dùng hiện nay. Theo dự báo của Allied Market Research, trà sữa làm từ trà đen sẽ tiếp tục “thống trị” thị trường đến năm 2027, trong khi đó trà xanh sẽ có tốc độ tăng trưởng kép cao nhất (8,2%).

Nhìn chung, dù Covid-19 ảnh hưởng đến phương thức kinh doanh của doanh nghiệp và cách thức mua hàng của người tiêu dùng, nhưng thị trường trà sữa tại Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung vẫn có dấu hiệu tăng trưởng nhẹ. Điều đó không chỉ đến từ sự yêu thích của người tiêu dùng toàn cầu với trà sữa và văn hoá trà sữa, mà còn bởi nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp nhằm vượt qua giai đoạn khó khăn thời bệnh dịch.